Chương 22: Tuẫn Tiết Đền Ơn
Đề nghị của Mã Phương Trung được toàn gia vui vẻ tán thành.
Bọn hài tử nhanh chóng cầm lấy bát đũa, vừa thổi phù phù cho đỡ nóng, vừa ăn một cách ngon lành.
Nhìn chúng ăn mà phát thèm. Đối với chúng, bất cứ việc gì cũng tìm thấy niềm khoái lạc.
Mã Phương Trung nhìn con, trên mặt xuất hiện nụ cười. Nhưng hôm nay nụ cười đó có vẻ gì đặc biệt. Ngoài ra, mặc dù thức ăn rất ngon, nhưng lão thấy mất hết khẩu vị.
Mã Nguyệt Vân gắp thức ăn cho hài tử xong, chợt nhận ra thái độ khác thường của chồng liền hỏi:
- Tướng công sao thế?
Mã Phương Trung không trả lời ngay, trầm ngâm nghĩ ngợi hồi lâu rồi chậm rãi nói:
- Ta chợt nghĩ đến Lão Bá...
Nhiều năm qua, Mã Nguyệt Vân có cảm giác người đó luôn luôn tồn tại trong tâm tưởng của chồng và cũng là nỗi ám ảnh của chính mình, nhưng Mã Phương Trung không bao giờ nói về nhân vật bí hiểm đó và bà không dám hỏi.
Hôm nay Lão Bá đã tới, và bây giờ Mã Phương Trung tự nói đến ông ta, nhất định có điều gì đó đặc biệt.
Bà không bỏ lỡ cơ hội, hỏi ngay:
- Lão Bá là người thế nào?
Mã Phương Trung đáp:
- Ông ấy không phải lão bá thật của ta...
- Vậy là ai?
- Là huynh đệ, là bằng hữu, cũng là phụ mẫu của ta. Nếu không có ông ấy, ta đã bị giết từ lúc mười sáu tuổi, tức là không thể gặp nàng được. Vì thế...
Mã Nguyệt Vân hiểu ý, dịu dàng tiếp lời:
- Vì thế thiếp cũng phải cảm kích ông ấy, nhờ ông ấy mà thiếp có được một người chồng tốt.
Mã Phương Trung chậm rãi đặt đôi đũa xuống.
Mã Nguyệt Vân biết rằng đó là dấu hiệu trượng phu có chuyện cần nói, và nhất định sẽ là vô cùng quan trọng.
Bà đã có chuẩn bị tư tưởng.
Mã Phương Trung nói:
- Không những nàng phải cảm kích ông ấy mà còn phải giống như ta, vì ông ấy mà không tiếc bất cứ việc gì.
Mã Nguyệt Vân gật đầu:
- Thiếp hiểu.
Mã Phương Trung nói tiếp:
- Bây giờ thì chắc nàng đã hiểu rằng ta ở đây là vì Lão Bá mà canh giữ cửa địa đạo?
Lão thở dài, giọng trở nên ảm đạm:
- Ta chỉ hy vọng Lão Bá vĩnh viễn không bao giờ phải dùng đến địa đạo đó. Sau bao nhiêu năm, ta đã nghĩ rằng sẽ không có ngày hôm nay, thế mà ngày đó vẫn cứ đến...
Mã Nguyệt Vân cũng buông đũa, cúi đầu chăm chú nghe.
Mã Phương Trung tiếp giọng:
- Lão Bá đã tới nước này, phía sau sớm muộn gì cũng sẽ có người đuổi tới.
Mã Nguyệt Vân không nén được liền hỏi:
- Nếu vậy tại sao ông ấy không ngồi lên xe ngựa mà chạy đi?
Mã Phương Trung giảng giải:
- Bởi vì người đuổi theo nhất định là nhân vật vô cùng lợi hại, cho dù xe ngựa có chạy nhanh bao nhiêu cũng sẽ bị đuổi kịp. Hơn nữa Lão Bá đã bị trọng thương, sao đủ sức chịu đựng khi ngồi xe ngựa xóc như thế?
Lão dừng lại một lúc rồi nói tiếp:
- Bây giờ nếu có người đuổi đến, tất hắn sẽ cho rằng Lão Bá đã ngồi trên xe ngựa đó đi rồi, không ngờ ông ấy vẫn còn ở lại đây, lại càng không ngờ lại có thể ẩn tránh trong giếng.
Bấy giờ Mã Nguyệt Vân mới hiểu tại sao xe ngựa lại vội vàng như vậy.
Chính Lão Bá cố đánh lạc hướng để đối phương tưởng mình ở trên chiếc xe đó mà truy theo.
Mã Phương Trung nuôi dưỡng bốn con ngựa tốt căn bản không phải để dành cho Lão Bá làm công cụ một khi bị truy đuổi mà chỉ làm mục tiêu để đối phương lạc hướng mà thôi.
Kế hoạch đó chẳng những phức tạp mà còn rất bí mật và chu đáo.
Bà thở dài nói:
- Thì ra tất cả những việc này là theo kế hoạch đã sắp sẵn từ trước...
Mã Phương Trung gật đầu:
- Đúng thế. Mọi việc đã được hoạch định kỹ lưỡng từ mười tám năm trước. Lão Bá đi đến đâu đều chuẩn bị sẵn phương án dự phòng hết sức chu toàn.
Mã Nguyệt Vân thán phục nói:
- Quả là một nhân vật cẩn thận và mưu lược. Nhưng thiếp vẫn chưa hiểu...
- Chưa hiểu gì?
- Làm sao ông ấy có thể sống dưới đáy giếng được? Ông ấy cũng là người chứ có phải cá đâu?
Mã Phương Trung giải thích:
- Không phải ông ta sống trong nước, mà dưới đáy giếng cũng có lối thoát.
Mã Nguyệt Vân lại càng không hiểu:
- Lối thoát thế nào?
- Khi giếng chưa đào thì Lão Bá đã bí mật cho kiến tạo một ngôi mật thất và để sẵn đồ ăn ở đó. Loại lương khô đặc biệt này dùng được rất lâu, nhưng cứ mỗi một lần ta cũng phải bí mật đổi bằng thứ khác.
- Còn lối vào mật thất?
- Lối vào đã được bịt kín. Qua hai chục năm, không ai tìm ra bất cứ dấu vết nào của mật thất đó nữa. Khi đào giếng, người ta mới mở từ đáy giếng một lối đi thông vào mật thất, như thế mới tuyệt đối bí mật.
Mã Nguyệt Vân lại hỏi:
- Nếu mật thất thông với giếng, như vậy trong mật thất có nước, làm sao ở lâu được?
Mã Phương Trung đáp:
- Người ta đã tính toán cẩn thận. Khi tới mật thất, người ta đào một cái hồ cách đáy giếng không xa, còn mật thất lại được kiến tạo cao hơn mặt hồ vài thước. Cho dù nước giếng nhiều bao nhiêu cũng không thể tràn vào mật thất được. Và từ khi xuống giếng, chỉ cần lặn theo thủy đạo chừng vài trượng là đã tới hồ nước rồi.
Mã Nguyệt Vân chép miệng:
- Công trình thật phức tạp và không ai ngờ tới... Ai đã nghĩ ra vậy?
- Chính Lão Bá đã nghĩ ra...
Lúc này bọn hài tử vẫn tiếp tục ăn, không chú ý đến câu chuyện.
Kiến trúc dù có tinh vi, phức tạp đến đâu cũng không hấp dẫn được chúng vì nó không phải là sở thích của tuổi nhỏ.
Mới ăn đước đầy một bát, mắt chúng đã díp lại và buông bát đũa gục ngay xuống bàn ngủ rất ngon lành.
Mã Nguyệt Vân liếc nhìn con rồi gượng cười nói:
- Bây giờ Lão Bá đã trốn dưới đáy giếng, chắc rằng trên đời không còn ai tìm ra được nữa.
Mã Phương Trung trầm ngâm hồi lâu rồi nói:
- Đúng thế. Tuyệt đối không ai tìm ra được nếu chúng ta không nói ra.
Mã Nguyệt Vân hơi tái mặt, nhưng vẫn gượng cười:
- Chúng ta làm sao nói ra được chứ? Đừng nói tướng công mà ngay cả thiếp cũng ngậm miệng như hến.
Vẻ mặt Mã Phương Trung càng thêm nặng nề, lão lắc đầu nói:
- Đương nhiên bây giờ nàng không nói. Nhưng khi bị bức ép, ví dụ địch nhân định giết hài tử chẳng hạn, khi đó nàng còn có thể giữ miệng được không?
Sắc mặc Mã Nguyệt Vân trở nên trắng bệch, bà run giọng:
- Thế thì... thế thì chúng ta cũng nên cao chạy xa bay khỏi đây thôi.
Mã Phương Trung lắc đầu:
- Không chạy thoát đâu, và căn bản là không thể.
Mã Nguyệt Vân thất thanh hỏi:
- Vì sao?
- Người ta có thể đẩy Lão Bá vào tình cảnh bi thảm như vậy, lẽ nào không truy đuổi được chúng ta?
Mã Nguyệt Vân run sợ hỏi:
- Vậy... chúng ta làm gì bây giờ?
Mã Phương Trung cúi thấp đầu im lặng. Lão không biết nói gì và không dám nói gì nữa.
Lát sau, lão ngẩng lên nhìn thê tử, ánh mắt vô cùng thắm thiết và cũng hết sầu bi.
Mã Nguyệt Vân cũng đăm đăm nhìn chồng, linh cảm có một điều gì đó vô cùng nghiêm trọng và khủng khiếp đang xảy ra.
Tuy vậy, bà vẫn nhìn Mã Phương Trung bằng ánh mắt trìu mến và tôn kính. Bây giờ, bà thấy chồng mình còn vĩ đại hơn quan niệm trước đây nhiều.
Cuối cùng, Mã Nguyệt Vân lấy được bình tĩnh, với tay cầm lấy tay trượng phu, dịu dàng nói:
- Phương Trung! Thiếp đã được sống cùng chàng mười mấy năm hạnh phúc và đầy đủ. Bây giờ cho dù phát sinh bất cứ chuyện gì, thiếp cũng không trách chàng đâu.
Mã Phương Trung nghẹn ngào:
- Ta... có lỗi với nàng....
Câu nói đó vào lúc này là thừa. Mã Phương Trung biết thế nhưng không thể không nói.
Tới đó, nước mắt lão trào ra.
Mã Nguyệt Vân cười thê lương nói:
- Chàng không có lỗi gì, không bao giờ có lỗi với thiếp cả. Xưa nay lúc nào cũng tốt với thiếp. Được sống với chàng, thiếp đã mãn nguyện lắm rồi. Nay được chết cùng chàng, đó cũng là điều hạnh phúc.
Mã Phương Trung cắn môi, cố ngăn hai dòng lệ vẫn tiếp tục trào ra, nói:
- Cám ơn nàng!
Mã Nguyệt Vân vẫn không rời mắt khỏi chồng, nói tiếp:
- Nhưng thiếp cầu xin chàng một việc.
- Nàng nói đi!
Bấy giờ nước mắt Mã Nguyệt Vân mới tuôn ra, bà nức nở:
- Hai hài tử... của chúng ta... Chúng còn nhỏ chưa biết gì. Chàng... chàng có thể để chúng sống không?
Mã Phương Trung quay lại, đau đớn nhìn hai con, lắc đầu:
- Ta cũng biết chúng chưa hiểu gì. Bởi thế lúc còn sống ta đã hết sức nuông chìu, muốn chúng được sung sướng hơn một chút...
Mã Nguyệt Vân gật đầu:
- Thiếp biết!
Đến bây giờ nàng mới hiểu vì sao chồng bà nuông chìu hai đứa nhỏ đến thế. Vì ông biết trước rằng chúng không thể sống lâu được.
Đối với một người cha mà phải làm như thế, thử hỏi trên đời còn gì bi thảm hơn?
Mã Nguyệt Vân nức nở nói:
- Bây giờ thiếp mới biết, trong suốt mười mấy năm qua, chàng đã phải chịu đựng nỗi đau khổ đến thế nào.
Mã Phương Trung nghiến răng nói:
- Ta luôn luôn cầu Trời xin Phật đừng để xảy ra nông nổi này. Nhưng bây giờ... bây giờ không còn đường nào khác nữa.
- Nhưng chúng ta có thể mở cửa để chúng đi, để chúng tự tìm đường sống cho mình... Cho dù chúng sống thế nào và có thể tiếp tục sống được hay không, chỉ cần chàng thả chúng đi, thiếp chết sẽ không hề oán hận.
Đột nhiên bà quỳ xuống trước mặt chồng, vừa khóc vừa cầu xin:
- Thiếp chưa bao giờ xin chàng điều gì, chỉ xin chàng việc này. Chàng hãy chấp nhận, nhất định chàng phải chấp nhận thiếp lời cầu xin sau cùng...
Mã Phương Trung không nói gì, hồi lâu mới quay lại, nhưng không nhìn con mà nhìn hai bát cơm trước mặt chúng.
Cả hai bát đều được ăn sạch nhẵn.
Mã Nguyệt Vân nhìn theo ánh mắt trượng phu, mặt chợt tái nhợt, thất thanh hỏi:
- Chàng đã... bỏ vào cơm...
Mã Phương Trung thảm thiết nói:
- Phải! Vì thế bây giờ ta muốn đáp ứng cho nàng cũng đã quá muộn!
Trên thế gian có chỗ nào bi thảm hơn cả địa ngục không?
Có!
Ở đâu vậy?
Ngay ở đây! Chính lúc này!
Vì trong mật thất chỉ có một chiếc phản hẹp nên Lão Bá ngủ thì Phượng Phượng phải ngồi.
Ghế cũng như giường, đều được làm bằng đá, hoàn toàn không êm ái chút nào...
Nhưng tư thế ngồi của Phượng Phượng rất đẹp. Đó là Cao lão đại đã dạy cho cô ta.
“Nếu ngươi muốn chinh phục nam nhân thì mọi lúc mọi nơi đều phải để ý đến tư thế của mình... Không những lúc đi, đứng, ngồi mà ngay cả lúc ăn cơm, đi ngủ cũng phải lưu ý đến tư thế của mình sao cho thật dễ nhìn. Khi đó, cho dù ngươi chỉ là kỹ nữ, nam nhân cũng thấy ngươi cao quý. Lúc đó họ mới phát mê phát cuồng vì ngươi!”
Những lời đó không biết Cao lão đại đã dạy các tiểu muội của mình không biết bao nhiêu lần.
Phượng Phượng buồn rầu tự nhủ:
- Nhưng bây giờ ngươi đã chộp được một nam nhân như thế nào? Một lão già, hơn nữa hắn còn bị trọng thương.
Cao lão đại còn nói:
- Nếu ngươi chộp được một nam nhân thì nhất định có cơ hội leo cao.
Phượng Phượng lại nghĩ thầm:
- Leo đi đâu nữa? Bây giờ ta đang ở trong đáy giếng như loài chuột, không có lối ra, một nơi đầy uế khí không thở nổi.
Phượng Phượng tưởng chừng không nén nổi cười to lên. Trong phòng đầy lương ăn đủ các thứ các loại, chẳng khác gì một kho quân lương.
Ở góc phòng treo một dây thịt cá ướp muối la liệt khiến không khí trong phòng càng nồng nặc vì lâu ngày đã mốc ẩm, bốc mùi.
Tuy vậy, nhìn những thứ này cũng hay hay, vì Phượng Phượng không muốn nhìn lại Lão Bá nữa.
Thế nhưng cô ta vẫn không sao nhìn mãi nơi đó, bất giác, ánh mắt hướng sang phía Lão Bá đang ngủ.
Khi ông đứng hoặc ngồi, mình bận y phục, thì lúc đó trông còn uy nghiêm.
Nhưng bây giờ nằm trần truồng ở đây, với cánh tay khẳng khiu, da nhăn nhúm và đầu gối to hơn bắp chân, bụng lớn hơn ngực, yết hầu nhô cao đưa lên đưa xuống, trông thảm bại chẳng khác gì những lão già khác.
Nếu Phượng Phượng không đói thì có thể đã nôn thốc ra rồi.
Qua hồi lâu, Lão Bá thở hắc ra mấy hơi, toàn thân toát mồ hôi, bụng đã xẹp đi một chút.
Phượng Phượng lạnh lùng nói:
- Tôi thấy tốt nhất ông nên tiết kiệm chút sức lực. Chính ông đã nói rằng độc chất trong “Thất Tinh châm” trên đời không có thuốc giải.
Lão Bá từ từ ngồi lên, ngưng mục quang nhìn Phượng Phượng hỏi:
- Ngươi mong ta chết ư?
Phượng Phượng không đáp, ngẩng mặt lên nhìn trần nhà.
Lão Bá nói:
- Tốt nhất hãy trông cho ta sống. Nếu không nhà ngươi cũng phải chết mục ở đây với ta.
Phượng Phượng chợt cảm thấy lo.
Cô ta còn trẻ, cuộc sống trước mắt còn dài. Bởi thế cô rụt rè hỏi:
- Có thật độc chất trong Thất Tinh châm không tìm được giải dược không?
Lão Bá gật đầu đáp:
- Xưa nay ta chưa bao giờ nói sai.
Phượng Phượng mặt tái xanh hỏi tiếp:
- Nếu ông đã biết mình không sao thoát chết thì việc gì phải nhọc sức chạy tới đây nữa?
Lão Bá chợt cười đáp:
- Ta chỉ nói rằng không tìm được thuốc giải chứ đâu nói là không tìm được người cứu? Điều mà con người có thể làm còn hơn mấy thứ dược liệu nhiều lắm.
Phượng Phượng mắt bỗng sáng lên, hỏi tiếp:
- Chẳng lẽ ông có thể bức được độc chất của Thất Tinh châm ra khỏi cơ thể?
Lão Bá thở dài đáp:
- Cho dù bức được thì cũng phải mất ít nhất là hai, ba tháng.
Ánh mắt Phượng Phượng trở lại tối sầm:
- Ông muốn nói rằng phải ở lại trong mật thất này ít nhất là hai ba tháng nữa?
Lão Bá cười nói:
- Ý ta là nàng phải ở đây hai ba tháng nữa. Ở đây có gì không tốt nào?
Ông nhìn khắp phòng nói tiếp:
- Có cá này, có thịt này. Khi ra khỏi đây, ta cam đoan nàng sẽ vừa béo vừa trắng ra...
- Ông không sợ người khác cũng tìm được tới đây sao?
Lão Bá khẳng định:
- Không có ai có thể tìm được đâu!
- Cái lão họ Mã đó có thể nói ra...
Lão Bá ngắt lời:
- Tuyệt đối không!
- Làm sao ông có thể dám chắc như vậy được? Ông tin vào lão họ Mã đó, biết đâu cũng như trước đây ông đã tin vào Lục Hương Xuyên?
Lão Bá không trả lời, và cũng không biểu lộ gì ra mặt.
Phượng Phượng nói tiếp:
- Hơn nữa, trên đời ngoại trừ người chết, không ai có thể giữ được điều gì bí mật mãi.
Lão Bá trầm ngâm một chút rồi chợt hỏi:
- Cô thấy rằng Mã Phương Trung có thể vì bằng hữu mà chết không?
Phượng Phượng đáp:
- Tôi không tin trên đời này có người như vậy. Hơn nữa ông và hắn không gặp nhau đã mười mấy năm. Cho dù trước đây hắn có thể vì ông mà hy sinh, nhưng bây giờ nhiệt tình đó cũng đã nguội lạnh đi rồi.
Lão Bá xua tay nói:
- Cô còn trẻ, chưa biết nhiều. Người ta thông thường có hai mặt, một mặt thiện và một mặt ác. Nhưng có người luôn luôn bảo vệ chỉ mặt thiện mà thôi, bản tính không để cái ác thâm nhập vào. Mã Phương Trung là người như vậy. Bởi thế chỉ cần thấy việc gì nên làm, cho dù tình huống nào, ông ta cũng sẽ làm.
Lão Bá ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Bởi vì nàng sống ở chỗ mà khi nào cũng thấy mặt ác của con người, vì thế không bao giờ nàng hiểu được những người như Mã Phương Trung, lại càng không hiểu được việc ông ta làm.
Phượng Phượng quay mặt đi không nói nữa.
Cô ta cũng thừa nhận rằng trên đời có rất nhiều việc không sao hiểu được. Và cô học được cách chỉ nhìn một phương diện của sự vật, cũng có thể đó là phương diện xấu nhất.
Bởi vì xung quanh cô ta ai cũng thế, và đã trở thành thói quen.
Mặc dù thế, cô ta cũng tự cho rằng mình rất hiểu nam nhân và tin chắc như vậy.
Bởi vì đó là nghề nghiệp của cô ta, cũng là phương thức để cô ta tồn tại.
Nếu cô ta không hiểu nam nhân thì không sao tồn tại được tới bây giờ, hoặc đã có một số phận khác.
Nam nhân chỉ có một dạng, cho dù hắn cao quý đến đâu thì cũng có lúc giống như hạng bần cùng. Chỉ cần hiểu hắn là có thể khống chế được hắn, làm cho hắn trở thành nô bộc của ngươi!
Cách khống chế nam nhân có hai dạng: một là làm cho hắn cảm thấy ngươi yếu nhược để hắn quan hoài và che chở ngươi. Khi đó hắn sẽ rất lấy làm tự hào và sung sướng khi được che chở ngươi. Còn một dạng khác để khống chế nam nhân là khinh miệt, dày xéo lòng tự tôn của hắn, khiến hắn không dám ngẩng lên nhìn ngươi.
Khi đó, ngươi chỉ cần cho hắn một ân huệ nhỏ, tỉ như ban cho hắn một nụ cười, như thế là hắn đủ mãn nguyện và vinh hạnh lắm rồi.
Nếu ngươi hiểu rõ điều này và biết cách đối xử, nam nhân sẽ vì ngươi mà làm bất cứ việc gì.
Đó cũng là giáo huấn của Cao lão đại.
Phượng Phượng đã biết vận dụng hai phương pháp đó thuần thục, vì thế bất kỳ đối với nam nhân nào, cô ta không còn cảm thấy câu thúc, sợ hãi nữa, vì có thể thuần phục mỗi nam nhân theo ý muốn của mình.
Nhưng lúc này, Phượng Phượng chợt thấy rằng cả hai phương pháp trên đối với Lão Bá đều không có tác dụng.
Trong mắt Lão Bá, cô ta chỉ là kẻ hậu sinh ấu trĩ, thậm chí không coi cô ta là người. Khi Lão Bá nhìn cô ta, có vẻ như ông coi cô ta giống vật dụng gì đó trong nhà vậy.
Không một nữ nhân nào chịu nổi thái độ đó. Họ thà chịu để cho nam nhân đánh mình, chửi mình, nhưng sự coi thường có thể làm họ phát điên.
Phượng Phượng chợt cất tiếng cười.
Cô ta còn học được cách dùng tiếng cười để che giấu sự khiếp sợ và bất lực của mình, nhưng không phải cười gượng mà nụ cười rất mê đắm nói:
- Tôi biết rằng ông rất căm hận tôi.
Quả thật lúc này Phượng Phượng muốn Lão Bá hận mình, như thế còn đỡ khó chịu hơn.
Lão Bá hỏi:
- Vì sao ta phải hận nàng?
- Vì tôi đã làm hại ông. Vì tôi mà ông bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát này.
Lão Bá lắc đầu:
- Ngươi sai rồi!
Phượng Phượng mở to mắt nói:
- Vậy là... ông không hận tôi?
Lão Bá trả lời:
- Nàng chỉ là một nữ hài tử mà thôi, vì thế căn bản không dính dáng gì vào âm mưu này.
Phượng Phượng nói:
- Nếu không có tôi...
Lão Bá ngắt lời:
- Nếu không có nàng thì chúng sẽ tìm người khác. Chẳng qua nàng chỉ đóng vai một công cụ bé nhỏ trong kế hoạch đó mà thôi. Kế hoạch đã chín muồi, bất cứ dùng ai làm công cụ đó cũng như nhau cả.
Ông cười nói thêm:
- Bởi thế chẳng những ta không hận nàng mà còn thương nàng.
Phượng Phượng đỏ bừng mặt, rồi đột nhiên dẫm chân gào lên:
- Ông thương hại tôi ư? Tại sao trước hết ông không tự thương hại mình đã?
Lão Bá cười nói:
- Khi nào có thời gian rảnh rỗi, ta sẽ lưu ý đến bản thân.
Phượng Phượng vẫn xẵng giọng:
- Không đâu! Loại người như ông sẽ không bao giờ biết tự thương mình! Bởi ông tự cho rằng mình là vĩ đại, đứng trên tất cả mọi người.
Lão Bá nhíu mày thốt lên:
- Thế ư?
Phượng Phượng tiếp tục tuôn ra:
- Một người khi chỉ biết lợi dụng mặt ác của người khác tất khơi lên trong họ sự ghen tị, lòng thù hận. Chỉ như thế mới tự cho mình vĩ đại, đứng trên mọi người.
Lão Bá đồng tình:
- Đúng thế thật.
Phượng Phượng nói tiếp:
- Nhưng ông còn cao hơn những người đó một bậc! Ông biết cách lợi dụng cả mặt thiện của người khác nữa. Nghĩa là ông biết cách lợi dụng tình cảm, sự đồng tình và nghĩa khí của họ.
Lão Bá lơ đãng nói:
- Có lẽ vì thế mà ta càng đáng sợ...
Phượng Phượng nghiến răng hỏi:
- Nhưng kết quả thế nào?
Lão Bá thản nhiên trả lời:
- Cái đó thì chẳng ai biết được.
Phượng Phượng đanh giọng:
- Nhưng tôi biết!
- Thế ư?
- Phải! Bây giờ cứ cho là Mã Phương Trung đã chết, dù không ai tìm được ông, dù ông có thể bức độc chất ra khỏi cơ thể... thế thì ông sẽ thế nào?
Cô ta cười nhạt:
- Bây giờ nhà ông đã bị người khác chiếm. Bằng hữu của ông đã biến thành bằng hữu của người khác. Chẳng những xung quanh ông chỉ toàn kẻ thù địch mà bản thân ông cũng đang sống những ngày tàn của tuổi già. Bằng vào một lão già cô độc như ông, trừ việc chờ chết ra, còn làm được gì nữa?
Những lời đó thật ác độc.
Nữ nhân khi đã muốn hại người khác, bao giờ họ cũng tìm được những lời độc địa nhất.
Nhưng Lão Bá vẫn bình tĩnh nhìn cô ta với ánh mắt như nhìn chiếc ghế, khúc gỗ hay đồ vật nào khác.
Phượng Phượng nghiến răng hỏi:
- Vì sao ông không nói? Có phải vì tôi đã nói ra những gì mà xưa nay ông chưa từng nghĩ đến? Bây giờ thì ông thấy thế nào? Ông còn thương hại tôi nữa hay bắt đầu tự thương hại mình?
Lão Bá bình thản đáp:
- Vẫn thương nàng, vì nàng còn đáng thương hơn ta.
Ông không những bình thản mà còn dịu dàng nói tiếp:
- Quả thật ta đã già, vì thế ta đã còn sống. Còn nàng? Ta biết nàng hận ta, và nàng còn tự hận mình.
Phượng Phượng đột nhiên bước tới trước mặt Lão Bá, toàn thân run lên.
Cô ta vốn định xông tới giết Lão Bá, nhưng không hiểu sao lại chợt ngã vào lòng ông khóc òa lên.
Rốt cuộc Lão Bá là nam nhân đầu tiên của cô ta, cũng là nam nhân duy nhất. Bởi vì tính mạng của họ đã kết chặt lại với nhau. Mặc dù cô ta không muốn thừa nhận, nhưng không thể phủ nhận sự thật đó.
Sự thật vốn không sao phủ nhận và thay đổi được.
Nhận xét về chương 22: tuẫn tiết đền ơn