Chương 37: Nhân Nào Quả Ấy
Nhạc Xương giật nẩy người lên, chỉ thấy mặt bàn di chuyển sang một bên, từ từ hiện ra một khoảng trống rộng độ hai thước dài ba thước, y như một cái rương vừa mở nắp.
Mặt bàn di chuyển tới chỗ còn dính liền khung đá độ khoảng năm tấc rồi dừng lại.
Nhạc Xương vận công phòng bị giây lát thấy không còn di động gì nữa hắn mới đặt hộp đá trên giường nầm, đứng dậy bước tới xem xét.
Chỉ thấy trong khung đá có để một quyển sách cổ, trong đầu sách có đề bốn chữ lớn :
“Khai quyển hữu ích”.
Nhạc Xương định giơ tay lấy quyển sách ra, bỗng nhiên lại rút tay về.
Hắn đưa mắt nhìn quyển sách cổ nọ lẩm bẩm nói thầm một mình :
- Có lẽ đây không phải là quyển sách tầm thường, bằng không Tiêu Diêu Cư Sĩ quyết không cất trong Thính Phong Trúc trông rất kiên cố này đâu, ta há có thể tùy tiện động tới nó chăng?
Thê rồi, hắn bắt đầu nghiên cứu bàn đá nọ một cách kỹ càng, xem tại sao nó lại tự động biết khai mở.
Trong lúc sơ ý hắn đã đụng phải mặt bàn một cái thật nhẹ, không ngờ mặt bàn nọ kêu sột soạt đã tự động di chuyển về chỗ cũ, liền lại với nhau, không thấy mảy may kẽ hở nào hết.
Nhạc Xương thầm khen người đã sáng chế ra máy móc tự động này, thế rồi hắn lại bước về chỗ giường nằm.
Hắn thoạt vừa ngồi trên giường, mặt bàn nọ lại tự động khai mở lần nữa.
Hắn sực nghĩ ra điều gì, hớn hở nói :
- A! Té ra chính Tiêu Diêu Cư Sĩ đã để dành quyển sách này cho ta xem vậy.
Hắn đứng phắt dậy, hai tay nâng quyển sách cổ lên, vẫn ngồi trên giường đá, cố đè nén cơn xúc động, lật quyển sách ra xem.
Trang thứ nhất viết rằng :
“Diệt bỏ tâm si, hoan ngã minh đài, thiên nhân hợp nhất, phủ cực thái lai.”
Nhạc Xương tiếp tục lật sang trang kế :
“Trắc ẩn chi tâm, nhân chi đoan vậy, tu ác chi tâm, nghĩa chi đoan vậy, từ nhượng chi tâm, lễ chi đoan vây, thị phi chi tâm, trí chi đoan vậy.”
Hắn đưa mắt nhìn trang hai này, trầm tư hồi lâu sau đó khẽ gật đầu thở dài một tiếng nói :
- Nếu thế nhân ai cũng biết những đạo lý này, vậy thì đâu còn tranh chấp, thù sát, và ân oán nữa? Con người không còn phiền não, thế gian không còn tranh chấp, sẽ là một cảnh giới thế nào đây?
Hắn lật sang trang kế tiếp :
“Nhà nho chú trọng: Định ắt được an.
Nhà Thích dạy rằng: Không tức thị hữu và vô.
Tam bảo đạo gia là: Tinh, khí, thần can hệ đến thủ, túc và khẩu.”
Hắn xem qua một hồi lâu không làm sao lãnh hội nổi ảo nghĩa bên trong, hắn bèn bỏ qua, tiếp tục xem trang kế.
Trang này chẳng viết một chữ nào cả, chỉ vẽ một hình khó giải vô cùng, đây là một gốc rễ của cây cổ thụ, mọc ngang dọc rối loạn khó nhìn hết sức, điều làm cho hắn thắc mắc nhất là phẩm chất trang giấy này khác hẳn với những trang nọ, đây là một tấm lụa mỏng như cánh ve sầu, có lẽ lâu đời nên đã biến thành màu vàng.
Hắn lật sang trang kế, cũng là một hình vẽ, đây là một con phượng hoàng đứng nhìn về hướng dương, lông cánh tươi đẹp hết sức, có hàng trăm con chim đang cất cánh bay lượn với nhiều tư thế xung quanh nó.
Trang kế tiếp lại có một hình lão nhân trạc tuổi cổ lai hi, mặt mày thanh tú, ngồi ngay thẳng trên bồ đoàn, ngón trỏ tay trái đang chỉ về phương xa, tay phải để ngang ngực, lòng bàn tay hướng ra ngoài.
Trang kế nữa là một hình người đứng thẳng, bàn tay trái đặt giữa ngực, bàn tay phải từ từ đẩy ra phía trước.
Toàn bộ quyển sách có tất cả mười hai hình vẽ gồm nhiều tư thế khác nhau.
Phần sau là những dòng chữ giảng giãi mỗi một hình vẽ.
Nhạc Xương chú tâm đọc một hồi lâu, mới phát giác rằng võ công trong quyển sách này thâm ảo vô cùng.
Hắn xem đi xem lại hàng mấy trăm lượt, cuối cùng mới khám phá được môn lộ vào của mười hai bức họa này.
Thế rồi Nhạc Xương ở trong Thính Phong Trúc mãi mê nghiên cứu luyện tập võ công trong quyển sách cổ do Tiêu Diêu Cư Sĩ để lại.
Thấm thoát đã trôi qua ba tháng.
Trong khoảng thời gian này Nhạc Xương đã mang tất cả võ công ghi chép trong sách cổ luyện xong hết, có điều chỉ còn kém phần hỏa hầu mà thôi.
Thì ra gốc rễ cây cổ thụ nọ chính là một bức họa trăm mạch của con người, hơn nữa bên trong lại bao hàm một môn bộ pháp vô cùng tuyệt diệu.
Con số thân pháp các loài chim chóc mười hai thức chưởng pháp nọ, hắn cũng luyện thuộc hết cả.
Nhạc Xương cũng chẳng biết bây giờ ngày hay là đêm?
Hắn ngước đầu uống vài hớp nước suối, sau đó ngả lưng nằm trên giường đá.
Tức thì nhiều hình ảnh đã hiện trong đầu hắn.
Đỗ Nhược Quân, Bảo Bối, Tiểu Oanh và Xảo Nương...
Nhất là Tiểu Linh đơn chiếc nọ, y mất tích bấy lâu không biết bây giờ y còn sống hay là chết rồi?
Khi hắn thoạt nghĩ tới huyết hải thâm thù của phụ mẫu, tức thì trong lòng lấy làm hổ thẹn và áy náy, vì cho đến nay hắn vẫn không biết kẻ thù của mình là ai cả.
Cuối cùng hắn lại nghĩ tới mình đến đây đã gần một trăm ngày, vẫn chưa thấy Tiêu Diêu Cư Sĩ và cả hai đồng nam đồng nữ nọ cũng không thấy xuất hiện.
Mặc dù những ngày gần đây hắn đã đi lên bậc thang năm ba lần, nhằm mục đích muốn tìm gặp lại hai tiểu đồng nọ để hỏi thăm sự việc bên ngoài.
Thế nhưng cánh cửa sư tử đá nọ rắn chắc vô cùng, mặc dù hắn đã dốc hết toàn lực, nhưng cũng không thể làm xê dịch được nó chút nào hết.
Một lần...
Hai lần...
Ba lần...
Mãi cho đến lần thứ năm, chưởng lực của Nhạc Xương mới đẩy được cửa sư tử đá đó khẽ lay động nhẹ một cái.
Về sau hắn thử thêm hai lần nữa, cũng chỉ có khả năng đẩy cửa đá nọ khẽ lay động nhẹ một cái song vẫn không làm sao khai mở được nó cả.
Bấy giờ hắn bắt đầu tỏ ra luống cuống bất an.
Hắn trở mình ngồi dậy, đưa mắt nhìn số hoa quả có hình thù quái gỡ chẳng biết tên nó là gì đã tàng trữ trên đầu giường, không còn dư được bao nhiêu nữa.
Nếu cứ thế tiếp tục, há chẳng bị chết đói tại đây sao?
Hắn suy nghĩ đến đây, máu nóng trong người lại sôi lên sùng sục bất giác ngồi dậy bước xuống giường đá, phi thân chạy lên bậc đá.
Chẳng mấy chốc đã đến trước cửa sư tử đá nọ.
Thế rồi hắn vận khởi bình sanh công lực, vung song chưởng đẩy mạnh vào cửa đá một cái.
Thế nhưng, cửa sư tử đá nọ cũng chỉ khẽ lay động nhẹ một cái, sau đó trở lại bình thường.
Nhạc Xương bất giác thở dài một tiếng tuyệt vọng nói :
- Hỏng rồi! Trông tình hình phải bỏ xác tại đây thật rồi.
Nhạc Xương mặt mày ủ rũ, từ từ bước xuống bậc thang.
Nhưng hắn vừa bước xuống vài bậc, bỗng nhiên trong đầu óc lóe lên một luồng linh quang lại lập tức chạy tới trước cửa đá.
Hắn sực hồi tưởng hôm vào đây nữ hài nhi đã ấn vào một phương vị sư tử đá, thế rồi hắn cũng giơ song chưởng ấn lên một góc cửa đá, đồng thời vận công vào song chưởng, hét to một tiếng, đẫy song chưởng tới trước một cái thật mạnh.
Kêu sột một tiếng!
Tức thì cửa đá nọ bị hắn đẩy tung ra rộng khoảng một thước.
Nhạc Xương mừng quýnh lên, lập tức cúi người lướt ra ngoài ngay.
Hắn vừa lượn mình lướt ra ngoài, bỗng cảm thấy sau lưng có luồng gió lạnh bất giác bắn người lên, vội nhảy ngang vài bước, trở tay phóng ra một chưởng nhanh như cắt.
Chỉ thấy một bóng đen thấp thoáng nhào lộn trên không một cái, nghiêng nghiêng phất phơ hạ xuống bên cạnh một tảng đá hình cọp.
Bóng người nọ vừa đặt chân chấm đất, la lớn tiếng nói :
- Sao ngươi lại ngang tàng thế? Người ta có lòng tốt đến đây đón ngươi, ngươi lại chẳng hỏi trắng đen gì hết, lập tức biếu cho một chưởng, may mà ta tránh né nhanh, bằng không ắt bị người đánh trúng một chưởng thổ huyết tại chỗ cho mà coi?
Nhạc Xương trố mắt nhìn kỹ lại, té ra là nam hài nhi nọ, tức thì đỏ thẹn mặt, vội chắp tay nói :
- Tiểu huynh đệ! Quả thật ta đã sơ ý, xin ngươi thứ lỗi.
Nam hài nhi chớp nháy đôi mắt một cái, từ từ bước tới, cất giọng lạnh lùng, nói :
- Nếu như ngươi cố ý, e rằng ta đã bỏ xác tại đây từ lâu rồi.
Nhạc Xương nghe y nói lời châm biếm mặc dù trong lòng có chút chẳng vui, nhưng khi suy nghĩ kỹ lại, mình đến đây làm khách nhân, cho dù y có lỗi lầm thật, mình cũng phải vị tình Tiêu Diêu Cư Sĩ bỏ qua cho rồi.
Nam hài nhi trông thấy mặt mày hắn ửng đỏ và im lặng chẳng nói gì hết, bất giác bật cười nói :
- Này Nhạc ca ca! Ta nói đùa với ngươi đấy thôi, ngươi chớ giận ta chứ?
Nhạc Xương thấy y ngây thơ dễ thương thông mình tinh quái,bất giác bật cười nói :
- Này tiểu huynh đệ! Miệng lưỡi ngươi lợi hại gớm.
Nam hài nhi lấy làm kiêu hãnh nói :
- Mọi người đều nói như thế, nhưng mà sư phụ vẫn chê ta chưa biết nói chuyện!
Nhạc Xương buộc miệng hỏi :
- Mọi người ư? Mọi người này gồm có ai thế?
Nam hài nhi cười hi hí một tiếng, nói :
- Mọi người này là... là... ồ, không thể nói cho ngươi hay. Chao ôi! Đi nhanh lên kẻo đi trễ lại ăn đòn đấy.
Nhạc Xương thấy y ấp úng không chịu nói tiếp đưa mắt chăm chăm nhìn y một cái hỏi tới nói :
- Sư phụ ngươi nghiêm ngặt với ngươi chăng?
Nam hài nhi vội trả lời nói :
- Không phải thế! Ta muốn nói rằng kẻo nướng thịt khét lẹt, lão nhân gia ắt phải phạt ta cho mà coi.
Nhạc Xương ngạc nhiên hỏi :
- Phạt thế nào?
Nam hài nhi khẽ chau mày nói :
- Phạt ta ăn hết miếng thịt khét lẹt đó.
Nhạc Xương thấy cách phạt này rất lý thú, cười khẩy nói :
- Vậy thì còn gì bằng? Có thịt ăn ngươi còn muốn gì nữa?
Nam hài nhi xua hại tay lia lịa nói :
- Chẳng thà ta chịu nhịn đói, ngươi có biết không, thịt nướng khét lẹt khó ăn vô cùng. Chao ôi! Quả thật lại nướng thịt khét lẹt nữa rồi, đi nhanh lên nào.
Nói xong, nắm tay Nhạc Xương, phi thân chạy như gió.
Bấy giờ ánh tà dương đã tô thêm một lớp màu hồng cho những thạch tượng này, trông càng tăng phần thần bí hơn.
Nam hài nhi vừa chạy vừa chỉ tay một mái nhà hiện trong biển hoa nói :
- Sư phụ đợi ngươi tại đó, ta phải đi xem thịt nướng.
Dứt lời, y thấp thoáng một cái biến mất trong biển hoa bao la đó luôn.
Trong một căn phòng trưng bày rất hoa lệ, sát vách là một cái kệ để đầy những sách cổ, trông cách trưng bày vừa đẹp vừa hoa nhã.
Tiêu Diêu Cư Sĩ ngồi ở ghế chủ tọa, còn Nhạc Xương thì ngồi trên chiếc ghế đối diện.
Tiêu Diêu Cư Sĩ khẽ gật đầu mĩm cười nói :
- Quả nhiên lão phu chẳng uổng công chút nào!
Nhạc Xương vội cung kính đáp :
- Vãn bối xin thọ giáo vậy!
Bấy giờ hai đồng tử nam nữ lần lượt bước vào, tiểu nam đồng thì hai tay bưng một mâm lớn thịt nướng vàng óng và thơm phức, có cả một đĩa hoa quả nữa, còn tiểu nữ đồng thì hai tay ôm chặt một hủ mỹ tửu còn niêm phong.
Sau khi hai người bày thức ăn rượu thịt trên bàn xong, liền cúi người rút lui ngay.
Tiêu Diêu Cư Sĩ một tay nâng ly, cười há há nói :
- Hãy tự nhiên tự rót tự uống nào!
Nếu như ngươi làm khách trước mặt lão phu, tốt nhất hãy đặt ly đũa xuống và đứng thị hầu ở một bên.
Nhạc Xương thoạt nghe lão nói thế, biết rằng lão này có lòng cởi mở chẳng chấp tiểu tiết, thế rồi hắn không khách sáo chút nào, lập tức nâng ly mà uống động đũa mà ăn.
Tiêu Diêu Cư Sĩ vừa ăn vừa nói :
- Quả thật trí tuệ ngươi hơn người một bậc, đúng là giống tốt luyện võ, tiếc rằng Nhâm Đốc nhị mạch chưa thông nên công lực bản thân ngươi bị hạn chế rất nhiều.
Y nói tới đây liền đưa mắt nhìn Nhạc Xương một hồi lâu, sau đó lắc đầu thở dài một tiếng nói tiếp :
- Quả thật lão phu có ý muốn tác thành ngươi, thế nhưng ngươi phải hứa với lão phu vài việc.
Nhạc Xương vội đặt ly đũa xuống hớt hải nói :
- Chớ nói tiền bối tác thành vãn bối làm gì, cho dù không tác thành, nếu tiền bối bảo vãn bối xông vào rừng đao núi kiếm, vãn bối cũng thề chết không từ, huống chi tiền bối có ân cứu mạng đối với ăn bối.
Tiêu Diêu Cư Sĩ xua tay bão hắn chớ nói tiếp, sau đó lão chậm rãi nói :
- Mặc dù ngươi là một kỳ tài thích hợp luyện võ nhưng chỉ có một khuyết điểm là sát khí giữa chân mày rất đậm, và có đôi nhãn thần đào hoa, trong đời ngươi chẳng những sát nghiệp nặng, hơn nữa tình oán phức tạp, cho nên ngươi ắt phải hứa với lão phu rằng không được vọng sát, vì con người ta không phải là thánh hiền, ai mà không có lỗi lầm? Biết lỗi mà chịu hối cải là điều quý báu nhất.
Lão nói tới đây, nâng ly hớp một hớp rượu, sau đó lại nói tiếp :
- Còn khâu tình nghiệt ân oán, thì tự ngươi cẩn thận giải quyết, vì khâu ái tình là nan giải nhất, nếu xử không khéo sẽ làm cho người thân bại danh liệt, sa vào chốn vạn kiếp không ngóc đầu lên nổi, mong ngươi hãy tự thận trọng lấy mình.
Nhạc Xương nghe nói thế, bất giác rùng mình lạnh toát mồ hôi, hắn khẽ gật đầu kêu vâng lia lịa.
Tiêu Diêu Cư Sĩ trông thấy thần sắc vừa thành khẩn vừa khủng hoảng của hắn, trong lòng hơi thấy an ủi, sau đó lái sang đề tài khác nói :
- Này hài nhi! Con cứ thong thả ăn tiếp, nghe ta kể đây...
Một hồi thật lâu, gương mặt thê lương của y lại co rút lần nữa, hình như dĩ vãng bi thương ấy vẫn còn rất mới mẻ trong ấn tưởng y.
Bấy giờ trong nhà cũng âm u tối dần.
Tiêu Diêu Cư Sĩ lắc đầu khẽ thở dài một tiếng nói :
- Cả đời lão phu chi làm sai một việc, à... Nhưng có ai ngờ rằng điều sai lầm duy nhất này đã làm cho ta cô đơn, đau khổ, ân hận suốt đời.
Nhạc Xương sửng sốt nhìn thần sắc bi thương của y, mặc dù trong lòng lấy làm thương xót nhưng không dám khinh suất xen lời vào.
Tiêu Diêu Cư Sĩ chậm rãi nói tiếp :
- Cách đây hai mươi năm trước, vào một đêm mùa thu, trăng sao tối mò, trong hoa sảnh Thất Xảo môn tại Thiên Tuyền Phong trên núi Lục Bàn sơn có một lão nhân ngồi trên ghế cao trước một bàn dài đặt giữa hoa sảnh, gương mặt lão tràn đầy sát khí, đưa cặp mắt căm phẫn nhìn đôi nam nữ đang quỳ trước bàn.
Có mười mấy thiếu nữ mặc áo màu đứng dài ở hai bên cửa sảnh, đưa mắt chăm chú nhìn ba người.
Nam nhân ấy là một thanh niên khoảng hăm bảy, hăm tám tuổi, lưng vượn eo ong, anh tuấn phi phàm, còn thiếu nữ thì độ hăm bốn, hăm lăm tuổi, mặt thanh mày tú, diễm lệ vô cùng.
Bấy giờ bốn bề tịch lặng như tờ, thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng trăm hoa ngoài sảnh đường lay động trong cơn gió buốt kêu xào xạo khe khẽ mà thôi.
Bỗng nhiên, lão nhân xếch ngược đôi lông mày trắng lên, hai mắt tia ra luồng sáng lạnh kêu hừ một tiếng nói :
- Ngươi đã nhận tội, chẳng lẽ không biết tự xử quyết thế nào chăng?
Tánh tình thanh niên nọ cương trực, thoạt nghe lão nhân buông lời nói như thế bất giác rùng mình lạnh toát mồ hôi, nhưng y mấp máy định lên tiếng phân biện.
Thiếu nữ quỳ kế bên y đã ưỡn ngực tiếp lời nói :
- Thiếu Dật không có lỗi gì cả, lỗi tại con không nên quyến rũ chàng và bảo chàng rời khỏi Vệ Hằng Nga, nếu lão nhân gia nhất định vấn tội, vậy thì cứ xử quyết con thôi.
Lúc nàng nói chuyện, khí thế rất lẫm liệt chẳng hề tỏ vẻ sợ hãi chút nào cả.
Lão nhân nọ cười lạnh lùng một tiếng, khẽ phất tay áo bào một cái, kêu choeng một tiếng tức thì có một con dao găm vứt trước mặt thanh niên ấy.
Đôi nam nữ nọ mặt mày biến sắc đưa cặp mắt hớt hải nhìn lão nhân không hề chớp mắt.
Thình lình ngay lúc này...
Có một bóng đen từ trong bụi hoa ở xa xa ngoài sảnh đường bay vọt tới nhanh như gió chỉ trong chớp mắt đã lướt vào sảnh đường.
Thì ra đối phương là một thiếu nữ xinh đẹp trạc tuổi đôi mươi, mặc áo đỏ mang giày đỏ, đầu chít khăn lụa đỏ, đứng sừng sững bên cạnh thanh niên, cung kính hướng về phía lão nhân hành lễ nói :
- Thưa cha, sự thật phơi bày trước mắt, xin lão nhân gia người giải quyết cho con!
Dứt lời, quay người chỉ tay vào mặt thanh niên nọ, nói giọng u oán :
- Này Thiếu Dật! Ta đối đãi với ngươi không phải chỗ nào đâu? Tại sao ngươi tàn nhẫn đến có nhà không chịu về, lại cả ngày ở chung với con hồ ly tinh nọ. Hứ! Cha già, vợ ngã bệnh thế mà ngươi nhẫn tâm bỏ rơi hết. Thiếu Dật!
Ngươi thử suy nghĩ kỹ lại nào, ngươi có phải là con người chăng.
Lão nhân thấy y vừa nói vừa chảy nước mắt, bất giác đau lòng, cất giọng ôn tồn nói :
- Hằng Nga! ý của con thế nào?
Thiếu nữ tên Hằng Nga trợn ngược đôi mắt căm hờn, giận dữ nói :
- Ta không được thì người khác chớ hòng được chàng!
Dứt!ời, y nghiêng đầu nhìn thanh niên nọ nói tiếp :
- Thiếu Dật! Ngươi... ngươi có bằng lòng theo ta trở về không? Ta có điểm nào không bằng hồ ly tinh này đâu? Không ngờ ngươi lại say mê y đến thế.
Thanh niên nọ vốn quỳ mọp dưới đất bỗng nghe y nói thé, liền ngước đầu lên nói :
- Hạng nữ nhân ngang ngạnh như ngươi, cũng mong phu quân trung thành với ngươi sao? Trước kia xem thử ta mù cả hai mắt nhưng bây giờ ta ta tình nguyện chết.
Y nói chưa hết lời bỗng có một tiếng gầm hét nổi lên :
- Câm mồm lại!
Lão nhân nổi giận đùng đùng nói :
- Gia môn Khổng Trúc Tu ta bất bạnh nên mới có một nghịch tử như ngươi.
Hừ! Nếu quả thật đợi đến khi phụ thân của Hằng Nga đến đây ngươi có nghĩ rằng mặt mũi ta còn ra thế nào nữa?
Lão nói tới đây dừng lại giây lát, sau đó la hét tiếp :
- Bây giờ ngươi đã trưởng thành, nên mới dám ngang nhiên láo xược trước mặt ta. Khá lắm! Mặc dù từ bé ta quá chiều chuộng ngươi và mừng rằng có người thừa kế Khổng gia, thế nhưng hôm nay ngươi chẳng xem cha già vào đâu hết. Được! Ngươi tình nguyện chết, vậy thì mau tự kết liễu đi!
Dứt lời, lão quay nửa người sang một bên, từ từ nhắm hai mắt lại.
Thiếu nữ quỳ ở kế bên nước mắt sớm đã chảy dài ra, nàng lẳng lặng chịu đựng tất cả, chịu đựng sĩ nhục đến mức thậm tệ.
Thế nhưng bây giờ nàng không còn chịu đựng được nữ, kêu oa một tiếng khóc thật thương tâm, nàng vừa khóc vừa dùng hai đầu gối lết tới trước hai bước, sau đó phủ phục dưới đất van xin nói :
- Xin lão nhân gia ngươi muốn phạt con thế nào cũng được, nhưng chỉ cầu người tha thứ cho Thiếu Dật, chàng... chàng là đứa con đuy nhất của lão nhân gia ngươi, chàng vô tội, không thể để chàng chết, hu hu...
Lời nói bi ai, tiếng khóc đoạn trường.
Lão nhân nọ vẫn khép chặt hai mắt không nói gì hết.
Thiếu nữ áo đỏ Vệ Hằng Nga lạnh lùng tằng hắng một tiếng, há mồm chửi inh ỏi :
- Đồ đê tiện! Chớ mơ tưởng nào! Ta bằng lòng chàng chết chứ quyết không muốn trông thấy chàng ở chung với con hồ ly tinh ngươi đây, nếu ngươi có tội quyến rủ phu quân người ta, sau khi chàng chết, ngươi vẫn có thể tiếp tục quyến rũ người khác nữa kia mà. Hứ! Đồ đê tiện!
Thanh niên tên Thiếu Dật trông thấy phụ thân đang nổi cơn thịnh nộ, vốn đã không dám mở miệng biện bạch không ngờ Vệ Hằng Nga người vợ của mình lại đứng ở bên cạnh đổ dầu vào lửa, bất giác bi phẫn vô cùng tức thì móc túi lấy một mảnh ngọc đeo to bằng đấm tay có khắc hình hai trái tim chồng lên nhau ra, lết bằng hai đầu gối đến trước mặt lão nhân, dâng trên bàn dài, sau đó nói giọng bi thương :
- Con bất hiếu thân thọ đại ân dưỡng dục của cha hơn hai mươi năm trời, cho dù có lỗi lầm, song cũng không đáng tội chết, thế nhưng dù gì tội lỗi cũng thành hình, chỉ hối hận trước kia không làm khác đi, bây giờ lệnh cha đã dạy như thế con bất biếu này đành tuân lệnh tự quyết, có điều thân ân sâu nặng đành hẹn kiếp sau đền đáp thôi. Xin cha hãy giữ lại mảnh ngọc đeo này!
Dứt lời, y quay người ra sau nhặt con dao găm trên đất lên, vứt bỏ bao dao găm, đâm thẳng vào giữa ngực, tức thì máu tươi phun ra tua tủa và té ngã trên đất.
Thiếu nữ quỳ bên cạnh chàng, bỗng thấy máu tươi phun ra, rú lên một tiếng kinh hoàng, ngã lên mình chàng bất tỉnh nhân sự luôn.
Số thiếu nữ đứng lại bên cửa sảnh đồng thanh thất kinh kêu lên một tiếng mặt mày thảm biến.
Thiếu nữ áo đỏ Vệ Hằng nga cũng mặt mày thất sắc, khẽ chau đôi mày liễu lại, rõ ràng y cũng lấy làm xúc động, nhưng khi y trông thấy Hồ Ly Tinh nọ ngã nằm trên người chồng mình tức thì mặt lại lộ vẻ khinh bi lạnh lùng day mặt qua hướng khác.
Lão nhân nghe tiếng xác chết té ngã trên đất nước mắt đã chảy ròng ròng xuống, lão huýt một tiếng sáo thật dài, tiện tay bốc mảnh ngọc đeo lên, phi thân chạy ra cửa sảnh, chỉ trong bỗng chốc đã mất dạng luôn.
Tức thì bầu không khí trong hoa sảnh trở nên tịch lặng một cách đáng sợ.
Đôi mắt thiếu nữ áo đỏ Vệ Hằng Nga óng ánh ngập lệ, nghiêng đầu nhìn xác chết phu quân một cái, lẩm bẩm nói :
- Thiếu Dật! Chàng không thể trách ta, chàng vô tình thì ta đành vô nghĩa với người, nếu chàng thương yêu tiện tỳ này, vậy thì cứ để nàng hầu cận ngươi!
Nói xong, bóng đỏ thấp thoáng một cái biến mất luôn.
Mười mấy thiếu nữ nọ lập tức lướt tới vây xung quanh thiếu nữ đang ngất xỉu, khẽ gọi rằng :
- Người chết không thể sống lại, xin Chưởng môn nhân hãy bảo trọng.
Bấy giờ Tiêu Diêu Cư Si đã uất nghẹn nói chẳng nên lời, lão lại đưa mắt nhìn ra cửa sổ để che giấu về xúc động của lão.
Nhất đại dị nhân từng gọi gió hét mưa một thời bất giác cảm khái thở dài một tiếng rất não nùng, tất cả những nổi bi thương, đắng cay đều kết thúc trong tiếng than thở này.
Nhạc Xương nghe kể đến như ngây như dại, đến khi nghe Tiêu Diêu Cư Sĩ thở dài một tiếng, hắn mới giật mình tỉnh lại, nhưng vì trong nhà âm u tối mò nên chẳng thấy thần sắc của hắn là thế nào hết.
Hắn suy nghĩ giây lát nói :
- Có lẽ vị lão nhân nọ chính là tiền bối rồi?
Tiêu Diêu Cư Sĩ khẽ gật đầu một cái không nói gì hết.
Nhạc Xương nói tiếp :
- Còn thiếu nữ nọ là...
Tiêu Diêu Cư Sĩ khẽ gật đầu đáp :
- Đúng thế! Y chính là Thất Xảo bà bà Cung Phi Yến Chưởng môn nhân Thất Xảo môn vậy!
Nhạc Xương ngập ngừng giây lát, cuối cùng nói :
- Thiếu nữ áo đỏ nọ ắt là Hồng Phát Tiên Cơ Vệ Hằng Nga, thế nhưng vãn bối cảm thấy rằng y có chút quá đáng đối với phu quân mình mà y...
Tiêu Diêu Cư Sĩ nói giọng bình thản :
- Không! Y chẳng có lỗi, yêu bao nhiêu ắt phải hận bấy nhiêu. Này oa nhi!
Ngươi phải nhớ cho kỹ, cả đời nam nhân chữ tình chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng đối với nữ nhân thì chiếm toàn bộ, khi một vật yêu quý mà họ không chiếm được họ sẵn sàng hủy diệt nó, đứng trên lập trường tình yêu nam nữ đây là trường tình thôi.
Nhạc Xương nghe nói thế bất giác ngẩn người ra tại chỗ, hắn suy nghĩ giây lát sau đó lại nói :
- Còn đối với Thất Xảo bà bà Cung Phi Yến, tiền bối lại có cảm nghĩ thế nào?
Tiêu Diêu Cư Sĩ bỗng lắc đầu thở dài một tiếng nói :
- A! Hài nhi này quá si tình, si đến khiến người phải động lòng thương xót, nếu như năm xưa Thiếu Dật và y kết hợp có lẽ sẽ trăm năm hạnh phúc.
Lão nói tới đây dừng lại giây lát, sau đó mới nói tiếp :
- Tất cả đều là kiếp số, từ khi Thiếu Dật quá cố, tánh tình y thay đổi lớn, bắt đầu căm thù nam nhân, cũng bởi nguyên nhân này tất cả đệ tử của Thất Xảo môn bắt đầu từ đó đùa nghịch số nam nhân háo sắc khiến họ phục vụ trong trận phấn son đến khô cạn tinh lực mà chết.
Nhạc Xương ngạc nhiên hỏi :
- Tại sao lão nhân gia không tìm cách ngăn cản họ?
Tiêu Diêu Cư Sĩ lắc đầu thở dài nói :
- Mặc dù y hành động như vậy nhưng đối với môn hạ rất nghiêm ngặt, nhất là ít khi nào hành tẩu giang hồ, thế nhưng những hạng công tử bột chuyên cậy vào quyền thế của cải ông cha thường đến các nơi tầm hoa vấn liễu nọ và số hậu khởi chi tú trong các tôn phái cậy vào tài sắc võ công xuất chúng lần lượt tới Bách Vô Cấm Kỵ tầm hương. À! Có lẽ...
Lão cười cay đắng một tiếng, nói tiếp :
- Có lẽ những kẻ đến đó vui đến không nhớ tới nước thục nữa, chẳng thấy một ai quay trở về cả, mặc dù như thế, vẫn còn người cứ tiếp tục đến.
Nhạc Xương tiếp lời nói :
- Đệ tử các môn phái mất tích, chẳng lẽ Chưởng môn của họ không hề truy vấn sao?
Tiêu Diêu Cư Sĩ nói tiếp :
- Thoạt tiên các môn phái cũng không biết lại tưởng rằng bị thù gia sát hạ, nhưng về sau cuối cùng họ đã tìm ra một ít manh mối. Thế rồi họ căn cứ họa đồ tìm tới Bách Vô Cấm Kỵ, nhưng khi họ trông thấy đệ tử môn hạ tất cả mọi người đều biến sắc.
Nhạc Xương cũng giật mình nhủ thầm :
- “Có lẽ các đại môn phái quyết không buông tha Thất Xảo bà bà thì phải!”
Bấy giờ, Tiêu Diêu Cư Sĩ lại nói tiếp :
- Họ trông thấy thần sắc đệ tử môn hạ hốc hác, hình thù bủn xỉn, con người như khùng như điên, quả thật họ đau lòng và bi phẫn bết sức. Điều mà họ lấy làm kinh hãi nhất chính là đệ tử môn hạ trông thấy họ, đã ngơ ngơ ngác ngác như chẳng quen biết họ bao giờ.
Nhạc Xương kinh ngạc nói :
- Chẳng lẽ họ quên cả sư trưởng rồi sao?
Tiêu Diêu Cư Sĩ miệng mấp máy định lên tiếng trả lời.
Thình lình ngay lúc này, bỗng có một bóng trắng thấp thoáng xuất hiện.
Nhận xét về chương 37: nhân nào quả ấy